Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Độc giả Báo Công an thành phố phẩn nộ vì sự xuyên tạc của “Bên thắng cuộc”

Sau khi hai số Báo CATP ra ngày 17 và 18-1-2013 đăng bài phân tích, phê phán những sai trái của tập I sách “Bên thắng cuộc” (tác giả Huy Đức), rất nhiều độc giả đã đồng tình với quan điểm của báo, đồng thời góp thêm nhiều tiếng nói với dư luận. Báo CATP xin trích vài ý kiến tiêu biểu trong số rất nhiều ý kiến đã gửi đến tòa soạn hoặc phản ánh trên một số diễn đàn mạng có đăng lại bài viết: “Về quyển sách Bên thắng cuộc: Vượt qua sợ hãi hay “chém gió”?”.



PHẠM NGUYỄN ANH TUẤN (quận 3, TPHCM): HUY ĐỨC ĐÃ BÔI NHỌ LỊCH SỬ

Ngay trong tâm tưởng, Huy Đức đã có chủ ý chia rẽ Bắc - Nam. Ngày nay, một học sinh tiểu học cũng hiểu rằng, nước Việt Nam nguyên là thể thống nhất, chỉ bị cắt chia sau Hiệp định Geneve. Sự cắt chia trên vĩ tuyến tạm thời, còn trong tâm tưởng của mọi người Việt Nam vẫn là một nước Việt Nam.
Huy Đức nhắc đến cái gọi là sự “tuẫn tiết” của một số viên tướng Sài Gòn như Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam... thực ra đó là kết cục của kẻ đã bị ngoại bang dùng tiền mua và trong cơn hoảng loạn đã phải tự kết liễu đời mình. Dù sao, nghĩa tử là nghĩa tận, chúng ta đều mong ở thế giới bên kia hương hồn họ được thanh thản, nhưng Huy Đức lại khơi lại nỗi đau này.

Vấn đề cải tạo, học tập sau chiến tranh được Huy Đức mô tả “cơm tù không thể nào tránh được cá thúi, gạo hẩm. Nước cũng là nỗi khát khao của tù nhân”. Tại sao tác giả “Bên thắng cuộc” không miêu tả, so sánh cải tạo của chế độ mới với nhà tù chế độ cũ như Côn Đảo, Phú Quốc... những tội ác mà Mỹ và tay sai gây ra như kìm kẹp, đóng đinh, thủ tiêu, chuồng cọp, cùm chân, tra tấn... đã làm máu người tù chính trị chảy tức tưởi, đau uất... Nhưng nhân dân Việt Nam đã gác lại quá khứ đau thương ấy để quên đi, để hòa hợp dân tộc, đoàn kết. Những người “Bên thắng cuộc” mới có quyền căm thù, có quyền lên án nhưng họ vẫn im lặng và đặt quá khứ sang một bên. Đau lắm chứ, cả dân tộc dồn cả máu, mồ hôi, nước mắt cho chiến tranh. Bao nhiêu bà mẹ mất con, bao nhiêu người vợ mất chồng, anh em ly tán, còn bao nhiêu triệu người bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Còn bao nhiêu liệt sĩ chưa tìm thấy mộ... khơi lại thù hằn và khổ đau để làm gì? Để chia rẽ Bắc - Nam ư?
 


Nước lấy từ hai miền Nam - Bắc hòa chung vào dòng Thạch Hãn (Quảng Trị) thể hiện ý chí, khát vọng thống nhất đất nước

Khi Liên Xô tan rã, Bùi Tín đã nhanh chân chạy sang phương Tây với mưu đồ đón gió, rồi ra rả trên đài BBC, VOA và tung ra mấy cuốn gọi là hồi ký, giọng điệu na ná như Huy Đức trong “Bên thắng cuộc”. Bùi Tín và Huy Đức dường như đã xong canh bạc đời họ!

Xuyên tạc lịch sử vốn là thủ đoạn của chiến tranh tâm lý đã được sử dụng từ thời cổ đại. Huy Đức học lại theo cách vô lương tâm nhất.

VĂN HOÀNG (phường Phước Vĩnh, TP.Huế): ĐỘC ÁC, MỊ DÂN CHIA RẼ KHỐI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Tôi ít có điều kiện và cũng nhác đọc sách, nhưng nghe tin “Bên thắng cuộc” đang gây “sốc” trong và ngoài nước nên háo hức tìm đọc. Càng đọc càng thấy khó “nuốt”, khó tin và tức sôi máu vì những luận điệu xuyên tạc lịch sử, chà đạp lên những mất mát, hy sinh xương máu, công lao của bao thế hệ người Việt Nam.

Cái tiêu đề cuốn sách đã thấy... chướng. “Bên thắng cuộc” là chỉ cá nhân, tập thể giành thắng lợi trong một cuộc chiến, một sự đấu đá nào đó. Trong khi cuộc xâm lược của giặc ngoại xâm là phi nghĩa, bị lên án; còn cuộc cách mạng của quân và dân Việt Nam là chính nghĩa, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, giúp sức... Cái sự “thắng” của chúng ta là chiến thắng (của cả dân tộc) chứ không phải “thắng cuộc” như trong đánh bạc, thi thố, thách đấu.

Trong xã hội có anh hùng, có “thằng khùng thằng điên” và những kẻ cơ hội, “ăn cháo đá bát” luôn tìm cách chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc; dùng những trò hề vớ vẩn để lôi kéo, nịnh bợ những kẻ hiếu chiến ở ngoại quốc chống phá Nhà nước. Chúng phủ nhận công lao của tiền nhân, thậm chí tổ tiên mình... Tác giả Huy Đức (tên thật là Trương Huy San, quê gốc Hà Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Boston, Mỹ) đang thực hiện những điều này, nhưng lại bị chính những phần tử chống cộng bài trừ, tẩy chay. Họ sẽ nghĩ rằng có một tên chiêu hồi đã chạy trốn khỏi đất nước giờ tìm cách công kích, lôi kéo sự ủng hộ để phục vụ cho lợi ích của mình.
 


Hai bà mẹ hai miền Nam - Bắc sum họp trong ngày thống nhất đất nước

Trong hai cuộc kháng chiến, miền Bắc và miền Nam là một thể thống nhất, vì giặc ngoại xâm nên mới có vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước. Nhân dân mọi miền, mọi dân tộc, mọi lứa tuổi... cùng ra trận với mục đích là đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do, mưu cầu hạnh phúc. Đó mới là sự thật, không phải kiểu “sự thật” mị dân như ở “Bên thắng cuộc”.

Chiến tranh đã lùi xa, mọi người đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hàn gắn nỗi đau, mất mát; xây dựng và phát triển đất nước. Vậy mà Huy Đức lại lạnh lùng khơi lại nỗi đau của nhiều người, làm tăng thêm nỗi tủi nhục của những người ly hương; kích động sự thù hằn, chia rẽ... Đây là động cơ rất ác độc!

NGUYỄN LƯU DANH (quận 7, TPHCM): LÝ LẼ NỊNH HÓT CỦA KẺ CHIÊU HỒI

Chỉ còn hơn ba tháng nữa là cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc tròn 38 năm (30-4-1975 - 30-4-2013) để núi sông về chung một cõi, Bắc - Nam sum họp một nhà. Ai chiến thắng, ai buông súng đầu hàng thì đã quá rõ. Và điều quan trọng luôn mang tính quy luật: Trong mọi cuộc chiến tranh tự cổ chí kim, từ đông sang tây, chiến thắng sau cùng bao giờ cũng thuộc về phía chính nghĩa.
Nói như thế để thấy rằng những gì diễn ra trong ngày 30-4-1975 là một kết quả tất yếu, hoàn toàn có hậu. Cho dù đứng trên lập trường, chính kiến nào đi nữa, thì cũng khó có ai phủ nhận được thực tế đó. Vậy mà thời gian gần đây, dư luận trong cũng như ngoài nước lại xôn xao vì cuốn sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức viết về tình hình đất nước sau ngày thống nhất một cách thiếu trung thực và vô lương tâm. Chính vì lẽ đó mà bản thân tôi hoàn toàn đồng tình với Báo CATP trong cách nhận định về cuốn sách này, và đánh giá đúng bản chất, động cơ của tác giả: “Huy Đức là một tên chiêu hồi, anh ta đã dùng những lời lẽ nịnh hót “bên thua cuộc” một cách trơ trẽn để dọn đường cho ý đồ của mình”.

Thật ra, đọc “Bên thắng cuộc” dễ dàng nhận ra đây chỉ là một cuốn sách thường thường, không chuyển tải được điều gì to lớn, mới mẻ. Dường như không có gì là của Huy Đức, toàn là vay mượn của người khác. Anh ta chỉ núp dưới cái bóng của các nhân vật, ghi lại những gì họ phát biểu mà không ai có thể kiểm chứng có hay không? Đúng hay sai? Chính điều này đã buộc người đọc phải lôi anh ta ra khỏi chỗ trốn để nhìn cho rõ mặt tác giả là ai? Muốn gì? Điều đáng nói ở đây, có một số người hoặc vì thiên kiến, hoặc quá mù mờ về lịch sử và cũng không loại trừ yếu tố mượn Huy Đức làm con rối cho mục đích của họ, đã hết lời tâng bốc anh ta lên tận mây xanh, coi cuốn “Bên thắng cuộc” là một tuyệt tác về lịch sử Việt Nam. Nhưng đó chỉ là nhận định mù quáng của một số người rất nhỏ. Còn lại, đa số người đọc ở hải ngoại cũng như trong nước đều coi đây là một cuốn sách nhảm nhí, với những chi tiết mà Báo CATP đã dẫn chứng.
 


Những cựu binh thăm lại chiến trường xưa

Tôi không phải là một nhà lý luận, phê bình mà chỉ là một người đọc bình thường, thấy cái gì hay thì khen, dở thì chê. Tôi nghĩ, một nhà báo có trách nhiệm với ngòi bút của mình, viết một bài báo nhỏ thôi, cũng cần phải trung thực và chính xác. Huống gì đây, nhà báo Huy Đức lại viết sách, mà cố tình bóp méo lịch sử thì đó không chỉ là tội ác, mà còn là kẻ phản bội xương máu của bao lớp người đã hy sinh, để cho Huy Đức được sống trong một đất nước thanh bình, được học hành, được xuất ngoại và được làm người. Sự dối trá rồi sẽ trả giá!

ĐỨC NGUYỄN (TPHCM): “BÊN THẮNG CUỘC” - LỊCH SỬ HAY LÀ CHUYỆN PHIẾM?

Nếu nhận xét “Bên thắng cuộc” là “cuốn sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975” theo như ông Trần Hữu Dũng ca ngợi thì rõ là không xác đáng.
“Bên thắng cuộc” là sự góp nhặt của rất nhiều chi tiết mang tính phiếm luận. Rõ ràng, những câu chuyện được phát biểu lúc “trà dư tửu hậu” không thể có được sự tín nhiệm để trở thành lịch sử. Người ta khi cao hứng có thể “chém gió” và xem những gì nói ra đã là chân lý. Vấn đề là “chân lý” này thiếu trách nhiệm và sự nghiêm túc. “Bên thắng cuộc” chứa nhiều “chân lý” như vậy.
Huy Đức dùng cuốn sách để mô tả một cách phiến diện những vụ việc như đánh tư sản, bắt bớ văn nghệ sĩ, vượt biên... ngay sau ngày giải phóng, nhưng có lẽ tác giả đã quá chủ quan khi trút tội lên đầu “Bên thắng cuộc”. Ngay sau giải phóng, Việt Nam bị kẹt trong mâu thuẫn giữa những cường quốc, “thù trong lẫn giặc ngoài” đều có, Huy Đức đã không nhìn thấy toàn cục bối cảnh ấy. Nếu “bên thắng cuộc” không có những hành động cần thiết thì rất có thể sẽ sớm trở thành “bên thua cuộc”. Rõ ràng đây là lỗi “thầy bói xem voi” của Huy Đức.
 


Thanh niên kiều bào dâng hương lên mộ liệt sĩ

Hiển nhiên cuốn sách này còn cần mổ xẻ nhiều để nhặt sạn. Vì sự yếu kém trong lập luận khoa học, trong luận cứ, luận chứng nên Huy Đức đã lấp liếm và che đậy. Nhưng trước hết, việc ra đời của “Bên thắng cuộc” đã là một sự sai quấy cố ý. Trong khi sự đoàn kết dân tộc cần được củng cố thì “Bên thắng cuộc” lại “trật đường rày”, nó xoáy sâu vào những vết thương, gây chia rẽ và thêm thù hằn. Nhìn vào bối cảnh chung, sự ra đời của một cuốn sách chứa nhiều thiếu sót như “Bên thắng cuộc” rõ là một sai lầm và hiển nhiên “sai lầm này sẽ dẫn đến sai lầm khác”.

Trên đây chỉ là vài nhận xét ban đầu sau khi đọc xong cuốn một “Bên thắng cuộc” - Giải phóng. Tôi sẽ bổ sung ý kiến và đưa ra nhận xét xác đáng hơn sau khi đọc xong cuốn hai - Quyền bính.

LAM HỒNG (Xuân Yên - Nghi Xuân - Hà Tĩnh): CỐ TÌNH LẮT LÉO, ĐÁNH TRÁO SỰ THẬT

Nhìn về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà biết bao thế hệ đã hy sinh để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc, để nước nhà có ngày thống nhất Nam Bắc thì Huy Đức lại cố tình lắt léo, đánh tráo xem đó chỉ là “ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn 20 năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”. Đây rõ ràng là một cách viết lập lờ nhằm đánh tráo bản chất của cuộc chiến tranh chống xâm lược của cả dân tộc Việt Nam. Một cuộc chiến tranh làm lay động hàng trăm triệu người dân thế giới, trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, bóc lột, dưới cái nhìn của Huy Đức lại trở thành một cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn”.

Lịch sử không phải chỉ là những sự kiện riêng rẽ mà phải đặt trong mối tương quan với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới ở từng giai đoạn nhất định. Huy Đức viết về những khó khăn của những người lính chế độ cũ bằng cái nhìn đầy thù hận với chế độ mới, nhưng lại cố tình lờ đi cuộc sống của chính những người dân và ngay cả những cán bộ cách mạng ngày đó cũng khổ vô cùng. Tác giả viết về miền Nam sau những ngày giải phóng sa sút điêu tàn, nhưng tác giả lại cố tình không thấy được nguyên nhân: đó chính là hậu quả của chiến tranh, là sự cấm vận của Mỹ và sự phá hoại của các thế lực thù địch.

Trong bộ sách này, dù Huy Đức tự nhận “tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm và trong vòng ba năm từ tháng 8-2009 đến tháng 8-2012 tôi đã dành toàn bộ thời gian để viết”. Ngoài ra, tác giả cũng cho biết thêm tư liệu cho quyển sách được lấy từ nhiều nguồn như phỏng vấn những nhân vật lịch sử cả hai bên chiến tuyến, những tướng lĩnh trong quân đội, những tư liệu lịch sử lưu trữ... Tuy nhiên, bởi cái nhìn thiên kiến mà Huy Đức cố tình cóp nhặt, khai thác sự kiện lịch sử theo một chủ đích có sẵn của riêng tác giả. Điều này khiến cho dù khối lượng tư liệu có thể nói rất nhiều nhưng lại trở nên đơn điệu, “lịch sử” trong “Bên thắng cuộc” của Huy Đức đã bị làm méo mó.

“NGƯỜI VIỆT TẠI USA” (trên một diễn đàn mạng)

Tôi chả quan tâm “Bên thắng cuộc” vì nghe mấy ông tung hô là tôi thấy chả có gì đáng đọc. “Nhạy cảm”? Nếu “Bên thắng cuộc” có nêu những vấn đề gọi là “nhạy cảm” thì chả có gì mới mẻ. Từ ngày có internet, nếu muốn tìm hiểu về những chuyện nhạy cảm này thì cũng có vô khối thông tin. Thế thì còn gì là nhạy cảm mà các vị quảng cáo là “thâm cung bí sử”?

Có chăng là chuyện trở cờ của Huy Đức. Huy Đức đang muốn xin việc ở báo Người Việt (ở Mỹ), chấp nhận cuộc sống tha hương nơi đất khách như Bùi Tín thôi. Cái giá Huy Đức phải trả là quá nặng nề, bạn bè, đồng nghiệp trong nước khinh rẻ, người dân bên này cũng coi thường. Cả triệu người qua Mỹ sau 1975, đa phần có liên quan đến chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng ngày nay họ không còn hằn học nữa. Chỉ có mấy vị chống cộng cực đoan là ra rả trên báo chí của họ để vinh danh quá khứ thôi. Còn chúng tôi, đặc biệt là lớp trẻ, con cháu chúng tôi vẫn đi về Việt Nam và luôn cầu mong cho đất nước, tổ quốc thanh bình...

 

Nguồn: www.congan.com.vn

Các bài liên quan:

ve sinh cong nghiep

vệ sinh công nghiệp

http://vesinhsach.net/135/251/Lan-son-quet-voi-xu-ly-silicon/Lan-son-quet-voi-xu-ly-silicon.htm

dich vu ve sinh van phong

phủ bóng sàn gỗ đánh bóng sàn gỗ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét