Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Khai mạc Hội nghị triển khai công tác năm 2013 ngành Tòa án nhân dân

Sáng nay 22/1, TANDTC tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của ngành TAND. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang

Tới dự hội nghị còn có các đồng chí: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ương và đại diện Tòa án 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị:

Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của ngành Tòa án nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu về dự Hội nghị và nhân dịp năm mới 2013, xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao qua các thời kỳ cùng toàn thể cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc các đồng chí đạt nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Thưa các đồng chí,

Thực hiện nhiệm vụ năm 2012 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, trong nước có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp của ngành Tòa án nhân dân.

Năm qua, trong điều kiện thiếu cán bộ, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc hạn chế, số lượng các loại vụ án phải giải quyết rất lớn (trên 360 nghìn vụ án), nhưng ngành Tòa án đã đạt được những kết quả quan trọng: tỷ lệ số vụ án được thụ lý tăng lên (trên 332 nghìn vụ, đạt 92%); nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Chất lượng công tác xét xử được nâng lên; hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được quan tâm tập trung giải quyết để nâng cao chất lượng và không quá thời hạn theo quy định của pháp luật. Những sai sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn từng bước được khắc phục; công tác xây dựng ngành có tiến bộ, công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đạt hiệu quả; triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp có bước tiến bộ. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của ngành Tòa án nhân dân tiếp tục được tăng cường, các thỏa thuận đã ký với các nước được triển khai thực hiện có kết quả. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành tích, những đóng góp của ngành Tòa án nhân dân trong năm qua.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành Tòa án, mặc dù trong năm 2012 không để xảy ra trường hợp nào xét xử oan, nhưng tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị hủy vẫn chưa giảm mạnh, tiến độ và chất lượng giải quyết nhiều vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm còn chưa kịp thời, nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế. Việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là trong lĩnh vực dân sự, tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chậm, tồn đọng nhiều. Đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân tuy đã có bước tiến bộ nhưng về cơ bản vẫn chưa khắc phục được tình trạng “thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ”; vẫn còn một số cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật bị xử lý, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Tòa án; dư luận xã hội còn nhiều nghi ngờ về tính khách quan, nghiêm minh của hoạt động xét xử. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ngành chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác cải cách hành chính tư pháp đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Đây là những yếu kém, bất cập của ngành mà tại Hội nghị này, các đồng chí cần thảo luận nghiêm túc để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục.

Thưa các đồng chí,

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra nhiệm vụ:“Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp. Đổi mới hệ thống tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiều chủ trương lớn, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Tòa án nhân dân, từ việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp đến công tác xây dựng ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh; từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong năm 2013, ngành Tòa án nhân dân cần tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Theo tinh thần đó, trong phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013, tôi đề nghị các đồng chí cần chú trọng vào một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; kiên quyết phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm; chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, việc cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo bị xét xử về tham nhũng. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; đảm bảo việc giải quyết, xét xử và ra bản án đúng pháp luật; khắc phục tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Khắc phục triệt để tình trạng để kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn, việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đúng pháp luật.

Để làm được các điều này, bên cạnh các biện pháp về công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần thường xuyên kiểm tra việc tổ chức công tác xét xử ở Tòa án các cấp, làm tốt công tác giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót nghiệp vụ trong hoạt động xét xử. Tòa án nhân dân tối cao phải làm tốt việc tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn xét xử các loại vụ án.

Thứ hai, các Tòa án cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng, nâng cao bản lĩnh Thẩm phán; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; tranh tụng tại phiên tòa làm rõ sự thật về các tình tiết của vụ án là hết sức quan trọng để các phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục cao. Đồng thời, ngành Tòa án nhân dân cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung pháp luật tố tụng phù hợp với quan điểm trong Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo hướng hoạt động xét xử phải công khai, minh bạch, đảm bảo sự tham gia giám sát của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với hoạt động xét xử của Tòa án; quy định cụ thể vai trò Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Luật sư trong việc tranh tụng tại phiên tòa, cũng như trình tự, thủ tục tiến hành việc tranh tụng.

Thứ ba, làm tốt công tác xây dựng ngành, tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ Thẩm phán, nhất là đối với Tòa án nhân dân cấp huyện, tương lai là Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, nơi giải quyết phần lớn các loại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, tập trung để nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế tình trạng khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị tràn lan, gây quá tải cho tòa án cấp trên. Chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý Tòa án các cấp; hoàn thiện cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng “Bộ tiêu chuẩn” các chức danh công chức ngành Tòa án nhân dân. Đổi mới cơ chế, phương pháp tuyển dụng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng và đãi ngộ đối với công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt; làm tốt việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách, nhất là đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo Tòa án các cấp; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những cán bộ Tòa án có hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Tiếp tục thực hiện thường xuyên việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” và Cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân”. Đồng thời, ngành Tòa án nhân dân cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là Thẩm phán phù hợp với đặc thù công tác của Tòa án.

Đối với công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho Tòa án các cấp, cần tập trung kinh phí và xác định trọng điểm đầu tư để xây dựng, cải tạo, mở rộng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc cho Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, nhất là chuẩn bị cơ sở vật chất cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sắp tới.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vừa qua, Bộ Chính trị đã đồng ý giao cho ngành Tòa án nhân dân nhiệm vụ đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo bậc đại học chuyên ngành để có thêm nguồn tuyển dụng cán bộ phù hợp với chuyên môn của ngành. Để làm tốt nhiệm vụ này, tôi đề nghị các đồng chí một mặt tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành phù hợp với tiêu chuẩn từng chức danh như: cán bộ có chức danh tư pháp; cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ nghiên cứu, chuyên gia; công chức hành chính tư pháp và cán bộ, công chức khác, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức kinh tế, xã hội bổ trợ. Mặt khác, tiếp tục củng cố, kiện toàn, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực đào tạo của Trường cán bộ Tòa án, đồng thời sớm nghiên cứu, triển khai phương án thành lập Học viện Tòa án với cơ cấu tổ chức bộ máy và đội ngũ giảng viên, cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cử nhân chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu xét xử các vụ tranh chấp lớn, phức tạp trong đó có cả các vụ án có yếu tố nước ngoài và đủ trình độ tham gia các định chế tài phán quốc tế. Xây dựng phương án chọn, cử tuyển con em người địa phương, người dân tộc,... có chế độ, chính sách phù hợp, nhằm bổ sung nguồn cán bộ cho Tòa án các cấp, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, ngành Tòa án nhân dân cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng hợp tác với các đối tác mới về lĩnh vực đào tạo, trao đổi kinh nghiệm cải cách tư pháp, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác tòa án.

Thứ năm, Ngành Tòa án nhân dân cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp theo sự phân công của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đặc biệt là Đề án chi tiết thành lập tòa án nhân dân 4 cấp (Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, đổi mới tổ chức và hoạt động Tòa án nhân dân tối cao) theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; Đề án tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới; Đề án về cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc liên quan yêu cầu thì được Tòa án giải quyết nhanh, gọn; bảo đảm hoạt động của Tòa án đạt hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất về phát triển án lệ trong hoạt động xét xử, nhằm góp phần bảo đảm hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất và nâng cao chất lượng xét xử của ngành Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thưa các đồng chí,

Năm 2013, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhất định sẽ giành được những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin tưởng rằng cùng với toàn Đảng, toàn dân, ngành Tòa án nhân dân nhất định sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Năm Nhâm Thìn sắp qua, Tết Quý Tỵ đang tới, chúc các đồng chí đại biểu, các Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tích mới.

Xin trân trọng cảm ơn.

Thông tin về hội nghị Công lý xin tiếp tục cập nhật.

 

Nguồn: congly.com.vn

Các bài liên quan:

vệ sinh công nghiệp

http://vesinhsach.net/133/252/Giat-tham-van-phong/Giat-tham-van-phong.htm

lan son quet voi xu ly silicon

dịch vụ vệ sinh văn phòng

ve sinh cong nghiep

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét