Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

“Thần nước” là chính cộng đồng

"Tài nguyên nước đang biến động không theo quy luật nào và có xu hướng dễ dẫn tới thảm họa”, các chuyên gia quản lí sông ngòi cảnh báo. Ngày 1-1-2013 Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, cũng là lúc hạn hán đang hoành hành ở nước ta và trên một phần ba cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi…

 
Luật Tài nguyên nước xác định
quyền sở hữu tài nguyên nước thuộc về toàn dân
 
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định "Kể từ ngày 1-1-2013, các tổ chức, cá nhân có giấy phép về tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước”. Tổ chức, cá nhân đang thực hiện khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật đối với phần còn lại của thời hạn ghi trong giấy phép - Vậy phí cấp phép này có thể sử dụng như một trong nhiều biện pháp gây quỹ cho các chương trình về tài nguyên nước, tại sao không?

Thần thoại Hy Lạp có miêu tả Nữ thần nước (hay Naiads) là một vị thần thường ngự trên đài phun nước, giếng, khe và suối, khác các vị thần sông ngự trên những con sông… Đó là khát vọng của người Hy Lạp cổ về một nguồn nước vĩnh hằng trong trẻo. Còn trong Luật Tài nguyên nước có hiệu lực kể từ năm nay, lần đầu tiên cộng đồng dân cư có địa vị pháp lý tham gia góp ý các dự án, các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước ở nơi họ sinh sống, điển hình là ở các lưu vực sông. Giờ đã có thể xem "thần nước” chính là cộng đồng có sức mạnh riêng bảo vệ tài nguyên nước.

"Thần nước” hãy… hiện lên?

Trung tâm con người và thiên nhiên hơn một năm trước khảo sát lấy ý kiến của 1.300 hộ dân tại 9 xã ở 3 tỉnh thành tại các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông La, sông Vu Gia, sông Thu Bồn xung quanh tác động của phát triển đối với sông ngòi, tài nguyên nước, ảnh hưởng tới sinh kế nhai. Chỉ 30% những bức xúc của người dân về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi. Trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi. Mà rõ ràng sông cạn, nước ô nhiễm, những người dân cận kề và phải phụ thuộc vào nước sông để sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng là đối tượng bị chi phối nhiều nhất, bức xúc nhất.

Mới đây câu chuyện ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, gần công trình thủy điện Sông Tranh 2 với các trận động đất bất thường cũng có thể là một dẫn chứng về "thần nước” (cộng đồng) còn đi vắng. Hàng nghìn hộ sống quanh biển nước sông hồ này, trải trên hai địa phương là Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Tuy nhiên cộng đồng ở lưu vực Vu Gia-Thu Bồn hầu như không có bất cứ tiếng nói gì dù nơi đây được mệnh danh là biển dự án, công trình.

Tại hội thảo "Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông” cuối năm 2012, nhấn mạnh một điểm mới của Luật Tài nguyên nước, ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên& Môi trường cho biết, đó là chủ các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, và cả xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, thậm chí cá nhân liên quan. Việc đưa nội dung này vào nhằm thực hiện chủ trương dân chủ hóa ở cơ sở, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện.

Các chuyên gia quốc tế cũng từng khuyên Việt Nam nên trang bị cho cộng đồng kinh nghiệm phản biện cũng như thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước. Cứu các dòng sông phải đẩy thành phong trào. Phải tạo được phong trào phục hồi các dòng sông bắt nguồn từ chính những người dân, đến các cấp chính quyền cùng các tổ chức xã hội dân sự, mạnh mẽ hơn nữa. "Thần nước” phải xuất hiện ở mọi nơi, phải cứu lấy các con sông, nếu không khó nói chuyện bảo vệ nguồn nước.

Héo hắt vì hạn hán

Trung tuần tháng 12-2012 ở miền Trung và Tây Nguyên, lượng nước tích trong các hồ thủy điện chỉ chiếm 36% dung tích, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khó có thể đáp ứng đủ yêu cầu cấp nước cho vùng hạ du, khi hạn hán dự báo sẽ diễn ra gay gắt ở khu vực này mùa khô năm nay 2013. Cá biệt hồ thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Tranh 2 hầu như không còn nước chứa. Trên sông Ba, một trong những con sông lớn nhất miền Trung, cuộc tranh chấp nước giữa thủy điện và thủy nông bắt đầu quyết liệt. Gần một tháng nay, nhiều nhà máy thủy điện lớn ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam rơi vào cảnh ngắc ngoải vì thiếu hụt nguồn nước.

Thủ đô Hà Nội đã phải bằng nhiều cách không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho dân, và cho sản xuất. Đầu mùa khô đã chủ động chứa nước sớm ở các sông, suối, hồ chứa, ao, đầm, vùng trũng và các công trình thủy lợi. Như hồ chứa Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Suối Hai, hồ Đồng Sương, hồ Văn Sơn, hồ Miễu, hồ Quan Sơn, hồ Đồng Đò…

Nhưng ở nhiều địa phương sản xuất gặp khó khăn lớn vì hạn sớm. Tháng 9 đến nay nước về các sông hồ đều thấp hơn trung bình nhiều năm và hầu như không có lũ. Hàng chục hồ chứa ở Quảng Ngãi mực nước chết. Hạn hán ở Gia Lai thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng. Hà Tĩnh trong nguy cơ báo động đỏ thiếu nước tưới. Hai tháng 10 và 11-2012, lượng mưa Bình Định chỉ bằng phần ba, phần tư so với nhiều năm, 155 hồ chứa không cứu được nguy cơ thiếu nước trầm trọng cuối vụ.

Biến đổi khí hậu khuấy động tài nguyên nước khiến Việt Nam sẽ có nhiều đợt hạn hán, lũ lụt hơn. Hạn hán kéo dài hơn, tồi tệ hơn. Nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, khả năng chống chọi với bão lũ giảm đi… Các chuyên gia đã liên tục cảnh báo. Được trang bị Luật Tài nguyên nước, cộng đồng dân cư không thể tiếp tục "không biết làm gì” để bảo vệ sông ngòi, trong khi nước ta có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển, rất nhiều các sông đều có đập dâng, hồ chứa thủy lợi, thủy điện…

Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư hãy xiết chặt tay nhau hơn, khẩn cấp bảo vệ nguồn nước khi chưa quá muộn.
Thanh Lê

Nguồn: daidoanket.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét