Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Chạy tín nhiệm

(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri TPHCM của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 15.12, nhiều ý kiến băn khoăn về việc bỏ phiếu tín nhiệm. Chủ trương này là đúng, được nhân dân đồng tình, nhưng bỏ phiếu thực chất, lá phiếu có trách nhiệm và trung thực mới đạt được kết quả.

(Minh họa: Vũ Toản)
Cử tri Trần Mộng Lan phát biểu: “Lấy phiếu tín nhiệm là để những người được lấy phiếu đo được uy tín của mình. Bỏ phiếu chỉ có thực chất khi chống được “vận động”, “chạy tín nhiệm” trong khi các quy định pháp lý để ngăn ngừa vấn đề này chưa có. Đây là kẻ hở cần khắc phục”.
Tất nhiên băn khoăn trên không phải chỉ riêng một cử tri, mà của đa số người dân. Đơn giản là vì, người ta chạy chức, chạy quyền được thìchuyện “chạy tín nhiệm” có gì khác đâu. Trước một quyết định đề bạt, nếu những người là ứng viên cho chức vụ nào đó mở cuộc vận động, chạy cửa trước, cửa sau để đạt đủ lá phiếu, thì trước một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ai dám cam đoan rằng không có chuyện vận động xảy ra. Ở vị trí chưa có chức, người vận động để được đề bạt còn ở thế yếu, nhưng ở vị trí đã có chức vụ cao, có quyền lực nhất định, thì vận động để lấy phiếu tín nhiệm có phần thuận lợi hơn. Đáng lo là ở chỗ đó.
Không chỉ vận động xin phiếu hay mua phiếu, ở đây còn có yếu tố trao đổi mà Chủ tịch Trương Tấn Sang cảnh báo: “Coi chừng bỏ phiếu là chạy đi vận động, sẽ có tình trạng chạy phiếu tức là vận động phiếu, mà vận động ở đây là vận động nháy nháy, móc ngoặc với nhau, được anh, được tôi”. Như vậy, khả năng thỏa thuận cùng “tín nhiệm nhau” để cùng tồn tại rất dễ xảy ra. Lá phiếu lúc đó chỉ để hợp thức hóa thỏa thuận trước đó của các đối tác, bản chất trung thực và khách quan của lá phiếu được thay thế bằng sự trao đổi và xếp đặt của các bên. Lợi ích nhóm không chỉ tồn tại ở các lĩnh vực kinh tế, nó còn ở những nơi khác, bảo vệ quyền lực của nhau cũng là một loại lợi ích nhóm. Thậm chí nó còn ghê gớm hơn, bởi vì từ quyền lực mới đẻ ra quyền lợi.
Biết như vậy nhưng ngăn chặn các hành vi “chạy tín nhiệm” như thế nào mới là điều cần bàn. Cử tri ngoài những phát hiện, tố cáo tiêu cực, tham nhũng, chỉ còn đặt niềm tin vào cái tâm trong sáng, cái trí sáng láng của các vị đại biểu. Bởi vì, chuyện vận động trong quan hệ riêng tư dân không thể biết được. Chỉ những người có quyền bỏ phiếu mới tiếp nhận hay từ chối sự vận động mà thôi.
Các bạn có sáng kiến chống được “chạy tín nhiệm” xin hiến kế.
Lê Chân Nhân


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!


Nguồn: dantri.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét