Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

An sinh xã hội - những gam mầu sáng

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm 2012.

 

Muôn nỗi âu lo

"Thưa Quốc hội. Với suất trợ cấp 8.000 đồng, các bệnh nhân phong nơi tôi đến thăm chỉ được ăn ngày hai bữa cơm, chứ không được ba bữa...". Giọt nước mắt của ĐBQH Võ Thị Dung khiến cả nghị trường lặng đi. Nhưng rồi lời khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dù khó khăn đến mấy cũng phải dành những khoản tiết kiệm để tăng mức chi lên một chút cho các đối tượng hưởng các khoản trợ cấp và các cụ hưu trí hưởng lương rất thấp làm ĐBQH và cử tri thêm ấm lòng.

Không chỉ có lời hứa, cam kết, những nỗ lực của Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân năm qua cho thấy, phát triển kinh tế gắn liền bảo đảm ASXH là chính sách nhất quán, được hiện thực hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm hiện nay, ASXH càng là đòi hỏi thúc bách, khi mà khẩu hiệu "thắt lưng buộc bụng" đã không còn là phương cách của riêng mỗi gia đình mà của cả Chính phủ.

Có thể thấy sự khó khăn hiển hiện trong từng bữa cơm, cách chi tiêu dè sẻn của nhiều gia đình. Chậm lương, nợ lương, nhiều công nhân sống thiếu thốn, thậm chí khổ cực. Thất nghiệp, công việc bấp bênh, giá cả leo thang khiến không ít người trở về quê sống nhờ ruộng nương. Với nhiều doanh nghiệp, đôn đáo xoay xở trả lương công nhân đã toát mồ hôi, còn thưởng Tết chẳng khác nào chuyện xa xỉ. Người dân quê ra thành phố kiếm sống cũng chật vật bươn bả mưu sinh. Đời sống đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa đối mặt với bộn bề khó khăn, cơ cực. Càng trong khốn khó, cuộc sống những người nghèo, đối tượng yếu thế dễ bị ảnh hưởng, tổn thương hơn.

Dù rất chia sẻ với một bộ phận lớn dân cư làm công ăn lương đa phần thu nhập còn rất hạn hẹp, đời sống khó khăn nhưng ngay cả chuyện tăng lương cũng phải bàn thảo kỹ lưỡng, cân nhắc nâng lên đặt xuống bởi điều kiện ngân sách eo hẹp, thậm chí chủ trương hoãn tăng lương cũng từng được tính đến mặc dù mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kích hoạt nền kinh tế, tăng tiêu dùng. Đó là chưa kể nhiều tồn tại trước đây vẫn chưa được giải quyết triệt để như tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... "Cái khó bó cái khôn", do nguồn lực còn hạn chế nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách ASXH, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu...

Không ít "điểm sáng"

Lo cho người dân có "cơm no, áo ấm", rồi hướng tới "ăn ngon, mặc đẹp" luôn là nỗ lực không ngừng của Nhà nước ta, dẫu nguồn lực còn hạn chế (ASXH chiếm khoảng 30 - 35% tổng chi ngân sách quốc gia hằng năm), nhiều vấn đề lớn đang được ưu tiên triển khai như tái cơ cấu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Thời điểm kinh tế gặp nhiều sóng gió, ASXH vẫn được duy trì, bảo đảm với nhiều hình thức đa dạng như trợ cấp, trợ giá, miễn một số dịch vụ cơ bản, cùng với các chương trình dành cho nông thôn, vùng kinh tế xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...

Những chuyển biến tích cực xuất phát từ các chính sách đúng và trúng, dài hơi linh hoạt kết hợp ngắn hạn trong từng thời điểm, không ngừng được bổ sung và hoàn thiện theo hướng phù hợp kinh tế thị trường, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, mức hỗ trợ tăng lên. Có thể kể đến các Nghị quyết về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020...

Không ít điểm sáng trong triển khai ASXH năm 2012 đã được khẳng định trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp QH vừa qua. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trọng tâm là tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ước cả năm giảm 1,76%, qua 9 tháng giải quyết được 1,13 triệu việc làm mới; quan tâm chăm lo 8,8 triệu người có công (gần 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp thường xuyên); trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 2,3 triệu người... Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, nhưng cố gắng điều chỉnh tăng lương thêm 100 nghìn đồng/tháng kể từ 1-7-2013 bằng cách triệt để tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, quản lý chặt chẽ các khoản chi, chống thất thoát, lãng phí thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Có thể cảm nhận sự biết ơn của người dân trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua những giọt nước mắt hạnh phúc của hàng trăm nghìn hộ gia đình nghèo khi được ở trong ngôi nhà "167" mới vững chãi, khang trang khi xuân về, không phải lo nắng mưa dột nát xưa kia. Đó còn là sự phấn chấn của những thanh niên 62 huyện nghèo khi được hỗ trợ xuất ngoại lao động làm giàu cho gia đình và quê hương. Rồi gần 300 nghìn người lao động thất nghiệp nhận bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, kiếm việc làm mới. Niềm xúc động của những người dân vùng bão lũ sau khi mất trắng tài sản đón nhận những hỗ trợ của Nhà nước, những tấm lòng sẻ chia của đồng bào giúp họ gượng dậy sau thiên tai...

Không chỉ cho người dân "con cá", việc hỗ trợ cho họ có "cần câu" tạo đòn bẩy để tự mình vươn lên thoát nghèo, làm giàu, cải thiện đời sống như học bổng cho đối tượng diện chính sách, tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chính sách dạy nghề học sinh dân tộc thiểu số, đề án dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên; dạy nghề cho lao động nông thôn... luôn được chú trọng. Cách làm linh hoạt, đa dạng, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội địa phương đã cho thấy, ASXH luôn là "số một" từ việc hoạch định chính sách đến triển khai hiệu quả của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Việc làm và ASXH chính là chìa khóa để tăng trưởng toàn diện và bền vững, xây dựng "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Càng trong lúc khó khăn, nguồn lực đầu tư cho ASXH còn hạn chế, việc tiết kiệm chi tiêu, chi đúng, chi đủ, tránh lãng phí càng đặt ra cấp bách. Nhằm đáp ứng mục tiêu tăng diện bao phủ và mức hỗ trợ, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cùng với nguồn lực chủ đạo từ ngân sách Nhà nước, không thể thiếu sự chung tay của cộng đồng và hỗ trợ của hợp tác quốc tế.

* Thời điểm kinh tế gặp nhiều sóng gió, ASXH vẫn được duy trì, bảo đảm với nhiều hình thức đa dạng như trợ cấp, trợ giá, miễn một số dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó là các chương trình dành cho nông thôn, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...

 


Nguồn: www.nhandan.org.vn

Các bài liên quan:

ve sinh cong nghiep

vệ sinh công nghiệp

http://vesinhsach.net/135/251/Lan-son-quet-voi-xu-ly-silicon/Lan-son-quet-voi-xu-ly-silicon.htm

dich vu ve sinh van phong

phủ bóng sàn gỗ đánh bóng sàn gỗ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét