Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Hỗ trợ đến 60 triệu đồng/ha để người dân khôi phục sản xuất

 Nếu diện tích nuôi ngao bị thiệt hại hơn 70%, người dân được hỗ trợ 40 - 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha.

Với mức hỗ trợ cao nhất đến 60 triệu/ha khi có thiệt hại, người nuôi ngao đã có thể yên tâm để sản xuất. (Ảnh:ST- Nguồn:Internet)

Đó là một trong những quy định tại Thông tư số 33/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22-11-2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên như sau: Diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.

Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Diện tích lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha.

Mức cao nhất đó là diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại hơn 70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha...

Mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm thiệt hại do thiên tai được quy định như sau: Gia cầm hỗ trợ từ 10.000 đến 20.000 đồng/con; Lợn hỗ trợ 750.000 đồng/con; Trâu, bò, ngựa hỗ trợ 4.000.000 đồng/con; Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ: 2.000.000 đồng/con.

Đối với nuôi thủy, hải sản, diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 7 triệu– 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 3 đến 7 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi tôm sú thâm canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 6 triệu– 8 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 4 đến 6 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi ngao bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 40 triệu– 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 20 triệu đến 40 triệu đồng/ha...

Căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng; gia súc, gia cầm và phương thức, đối tượng nuôi, mật độ thả theo định mức nuôi và thiệt hại thực tế về giống, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện kể từ ngày 30-12-2012.

T.Th

Các bài liên quan:

thu mua giấy phế liệu

Tin thời sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét