Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Cơ chế phòng, chống tham nhũng

Cách đây gần 1 năm, TƯ họp Hội nghị lần thứ 5 khóa XI, trong Hội nghị này các đại biểu tập trung thảo luận một trong những vấn đề được đánh giá là rất quan trọng; nhất là trong điều kiện chúng ta đang thực hiện NQ TƯ 4 khóa XI- đó là vấn đề chống tham nhũng. Cũng tại Hội nghị kể trên, nhiều quyết sách quan trọng trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

 
Phải chặt chẽ hơn trong việc giám sát tài sản nhà nước
mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý
 
Từ thời điểm đó, về mặt tổ chức Ban Nội chính Trung ương cũng như Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (BCĐ TƯ) đã được thành lập và đi vào hoạt động.
 
Trong phiên họp thứ hai của BCĐ TƯ, vấn đề làm sao để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) cũng như việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) lại một lần nữa được đặt ra. Thật ra, BCH TƯ đã từng quán triệt tinh thần phòng và chống cần đi đôi với nhau; trong đó có cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật. Tuy nhiên, phương châm phòng tránh tham nhũng- lãng phí dường như luôn là ưu tiên hàng đầu; cũng giống như việc nâng cao cơ chế kiểm soát để phòng bệnh sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại về sau. Điều này, Kết luận Hội nghị TƯ 5 đã nêu rõ và chủ trương đẩy mạnh biện pháp phòng tham nhũng lãng phí có mấy cái lợi. Thứ nhất, nâng cao cơ chế "phòng bệnh” sẽ giảm thiểu thiệt hại từ quá trình "chữa bệnh” tham nhũng lãng phí mà ra. Như thế, xã hội cũng như nền kinh tế sẽ bớt đi được những gánh nặng thất thoát về tài sản, vật chất cũng như về con người. Điều này chúng ta đã có những bài học đắt giá. Thứ hai, nếu phòng tham nhũng hiệu quả thì các cơ quan công quyền cũng như bộ máy công chức sẽ giữ được niềm tin của nhân dân. Không những thế, chúng ta còn giữ được cán bộ của mình. Vậy, làm sao để phòng tham nhũng- lãng phí cho thật sự hiệu quả?
 
Trả lời cho câu hỏi trên chắc chắn cần sự kiên trì cũng như kiên định của những người tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng-lãng phí. Trong Kết luận của Hội nghị TƯ 5 khóa XI đã từng nhấn mạnh đến việc: "nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của QH, HĐND, MTTQ, nhân dân và công luận.” Điều này đúng; bởi nếu không công khai, minh bạch thì ngay đến các ĐBQH, ĐB HĐND cũng còn khó giám sát nữa là nhân dân. Nhưng, cơ chế cho sự công khai minh bạch- chỉ đơn giản là công khai minh bạch tài sản của cả Nhà nước (trong các DN trọng yếu của nền kinh tế) và của các cán bộ dường như vẫn còn "vương vướng” ở đâu đó (cho đến thời điểm này). Mà, đã thiếu công khai thì chẳng dễ để dân đặt nghi vấn chứ nói gì đến giám sát và thanh kiểm tra. Đơn cử như một vụ việc đã rõ sai phạm mười mươi đó là vụ việc làm thất thoát NSNN tại Vinalines. Còn nhớ, tháng 5 năm ngoái bên hành lang QH, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã từng ví "vụ Vinalines là giọt nước tràn ly” và từ đây nảy sinh đòi hỏi: Phải chặt chẽ hơn trong việc giám sát tài sản nhà nước mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý. Một trong những biện pháp để giám sát chính là công khai minh bạch báo cáo tài chính- ĐBQH này đã từng đề xuất như thế.
 
Thực tế tình hình cũng như những thuận lợi và khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí thời gian qua, BCĐ TƯ trong cuộc họp sáng 26-3 đã đề ra một số biện pháp trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội để phòng, chống tham nhũng; Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nói là tiếp tục có lẽ BCĐ TƯ cũng đã xác định rõ những vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng thời gian qua đã có tác dụng như các nhân tố tích cực cho công tác chống tham nhũng, rất cần được phát huy.
 
Nhưng, nói đến phòng chống tham nhũng cũng không thể không nói đến một cơ chế thực quyền cho BCĐ TƯ. Điều này đã phần nào được làm rõ trong phiên họp lần thứ hai của Ban. Một trong những cơ chế thực quyền chính là: Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, BCĐ TƯ có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ; hoặc chỉ đạo, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, BCĐ TƯ trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ việc, vụ án cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền phúc tra hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Như vậy là "bảo kiếm” đã được trao cho một cơ quan tối quan trọng có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Thể chế hóa các kết luận của Hội nghị TƯ 5 là một bước đi tiếp theo nhưng là bước đi quan trọng giúp BCĐ TƯ (dù chỉ là cơ quan giúp việc của cấp trên) có quyền năng cần thiết để chống tham nhũng. Từ cơ chế được trao cho BCĐ TƯ, rồi đây cơ chế hoạt động của các cơ quan như thế tại mỗi địa phương chắc chắn cũng sẽ có những điều chỉnh cần thiết, theo hướng thực quyền, thực việc. Hy vọng, thanh "bảo kiếm” này sẽ được sử dụng hiệu quả trong công cuộc đấu tranh cam go nhằm chống tham nhũng, lãng phí.
Hoàng Mai

 

Các bài liên quan:

thu mua giay phe lieu

Tin thời sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét